Wi-Fi 7 là gì? Tại sao Wi-Fi 7 bắt đầu phổ biến vào năm 2024?

27 / 02 / 2024 480 lượt xem

Gần đây, viện Wi-Fi Alliance đã chính thức công bố tiêu chuẩn Wi-Fi 7, đánh dấu sự ra đời của thế hệ Wi-Fi mới nhất. Thay vì chỉ là một bản nâng cấp nhỏ, Wi-Fi 7 hứa hẹn mang lại sự tiến bộ đáng kể về hiệu suất mạng không dây trong tương lai.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn về Wi-Fi 7 là gì và những điểm nổi bật của công nghệ này so với Wi-Fi 6. Theo dõi bài viết của VSP dưới đây để hiểu rõ hơn bạn nhé!

Wi-Fi 7 là gì? Lịch sử của các chuẩn Wi-Fi từ trước đến nay

Wi-Fi 7 là gì?

Wi-Fi 7 còn được gọi là chuẩn Wi-Fi thế hệ thứ 7, được phát triển bởi Liên minh Wi-Fi (Wi-Fi Alliance). Wi-Fi 7 được xây dựng dựa trên chuẩn Wi-Fi 6E mang đến những cải tiến đáng kể. Thế hệ Wi-Fi thứ 7 cung cấp tốc độ nhanh hơn gấp bốn lần so với Wi-Fi 6E. Bên cạnh đó là những cải tiến thông minh để giảm độ trễ, tăng dung lượng cũng như tính ổn định.

Lịch sử hình thành của các chuẩn Wi-Fi

Wi-Fi 1 (IEEE 802.11): Ra đời vào năm 1997. Hỗ trợ tốc độ kết nối tối đa 2 Mbps, hoạt động trên băng tần 2.4 GHz.
Wi-Fi 2 (IEEE 802.11a và IEEE 802.11a): Cùng ra đời vào năm 1999. Trong đó, IEEE 802.11b có tốc độ kết nối 1 – 11 Mbps, hoạt động trên băng tần 2.4 GHz. IEEE 802.11a có tốc độ kết nối 1- 54 Mbps, hoạt động trên băng tần 5 GHz.
Wi-Fi 3 (IEEE 802.11g): Ra đời năm 2003. Tốc độ kết nối 3 – 54 Mbps, hoạt động trên băng tần 2.4 GHz.
Wi-Fi 4 (IEEE 802.11n): Ra đời năm 2009. Tốc độ kết nối 72 – 600 Mbps, hoạt động trên băng tần 2.4 GHz và 5 GHz.
Wi-Fi 5 (IEEE 802.11ac): Ra đời năm 2014. Tốc độ kết nối tối đa là 1.730 Mbps, bổ sung hỗ trợ MU-MIMO và hoạt động trên băng tần 5 GHz.
Wi-Fi 6 (IEEE 802.11ax): Thông lượng mạng đạt tối đa 9.6 Gbps theo lý thuyết (cải thiện khoảng 30% so với tiêu chuẩn ac), đồng thời nâng cấp MU-MIMO.
Wi-Fi 7 (IEEE 802.11be): Chuẩn wifi thế hệ thứ 7, hỗ trợ tăng băng thông lên đến 30 – 40 Gbps. Hoạt động trên băng tần 6 GHz.

Thế hệ Wi-Fi 7 sẽ mang lại những lợi ích gì?

Với những cải tiến đáng kể so với các chuẩn Wi-Fi trước, Wi-Fi 7 được kỳ vọng sẽ trở thành một chuẩn Wi-Fi phổ biến trong tương lai. Wi-Fi 7 hứa hẹn sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho người dùng như:

- Tốc độ kết nối nhanh hơn, cho phép tải xuống các tệp lớn.
- Phát trực tuyến video độ phân giải cao, chơi game trực tuyến mượt mà hơn.
- Độ trễ thấp hơn cho phép các ứng dụng nhạy cảm với thời gian thực hoạt động tốt hơn.
- Dung lượng lớn hơn cho phép kết nối nhiều thiết bị cùng lúc mà không bị chậm.
- Khả năng thích ứng tốt hơn cho phép Wi-Fi hoạt động tốt hơn trong các môi trường đông đúc.

Tại sao 2024 sẽ là năm Wifi 7 bắt đầu phổ biến?

2024 được dự đoán là năm các thiết bị hỗ trợ kết nối Wi-Fi 7 trở nên phổ biến sau khi chuẩn kết nối này được chứng nhận.
Đầu tháng 1, Liên minh Wi-Fi Alliance thông báo bắt đầu cung cấp chứng nhận Wi-Fi Certified 7 cho thiết bị tương thích Wi-Fi 7 sau nhiều năm chuẩn này ra đời. Theo The Verge, điều này đồng nghĩa từ năm nay, thị trường sẽ nở rộ sản phẩm từ router, modem, bộ phát di động đến thiết bị kết nối như smartphone, laptop hỗ trợ chuẩn mới với tốc độ và hiệu suất lớn hơn nhiều so với Wi-Fi 6e hiện tại.
"Rào cản của Wi-Fi 7 là giá, nhưng giá của thiết bị loại này sẽ sớm giảm để tiếp cận nhiều người hơn. Trong nửa đầu 2024, số lượng sản phẩm hỗ trợ chuẩn mới sẽ ngày một nhiều", David Lessin, Giám đốc công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ ISG, nói với Network World. "Đến hết năm, Wi-Fi 7 có thể sẽ thực sự phổ biến".

Lợi ích của Wi-Fi 7

Theo Lessin, về lý thuyết, Wi-Fi 7 nhanh hơn 5 lần so với Wi-Fi 6e. "Hiệu suất trong thế giới thực có thể thấp hơn so với tốc độ 46 Gb/giây đã công bố, nhưng vẫn tốt hơn đáng kể so với Wi-Fi 6e", Lessin nói: Tăng tốc độ chỉ là một trong nhiều lợi ích của Wi-Fi 7. Lessin cho biết, chuẩn mới cũng tăng gấp đôi kích thước kênh, cải thiện đáng kể về cách tổ chức dữ liệu thành các luồng dữ liệu. Ngoài ra, Wi-Fi 7 hỗ trợ các thiết bị sử dụng đồng thời nhiều tần số và kênh, giúp hiệu suất mạng tốt hơn.
Theo Gino Dion, người đứng đầu về giải pháp đổi mới của Nokia, nâng cấp được mong đợi nhất trên Wi-Fi 7 là hoạt động đa liên kết (MLO), cung cấp khả năng truy cập đa băng tần gồm 2,4, 5 và 6 GHz. "Bên cạnh tăng thông lượng, MLO còn cải thiện độ trễ lên mức hiệu suất gần như Ethernet, cũng như gia tăng đáng kể về độ tin cậy và sự khác biệt về lưu lượng", Dion cho biết. Theo tính toán của Dion, tốc độ truyền dữ liệu tối đa của Wi-Fi 7 trong điều kiện thực đạt 23 Gbps ở băng tần 6 GHz, cao hơn so với mức 9,6 Gbps của Wi-Fi 6 và Wi-Fi 6e. Với MLO, tốc độ có thể lên 36 Gbps, gấp 3,75 lần Wi-Fi 6.
Về bảo mật, Wi-Fi 7 đem đến khả năng bảo vệ mạng tăng cường đáng kể. Xiang Li, kỹ sư giải pháp công nghiệp tại Keysight Technologies - nhà cung cấp công nghệ thiết bị đo lường và kiểm tra điện tử, nói việc Wi-Fi 7 chuyển sang WPA3 sẽ giúp hệ thống an toàn hơn thay vì các phương pháp bảo mật trước vốn chứa nhiều lỗ hổng nghiêm trọng.
Lĩnh vực có thể "thay đổi cuộc chơi" nhờ Wi-Fi 7

Theo PC-Tablet, với người dùng thông thường, chuẩn Wi-Fi hiện tại là quá đủ. Tuy nhiên, với tốc độ cao, đa luồng và độ trễ thấp, Wi-Fi 7 hứa hẹn sẽ giúp nhiều lĩnh vực tạo đột phá.
Có thể kể đến công nghệ nhập vai như thực tế ảo VR hay thực tế tăng cường AR. Các thiết bị dạng này, như Vision Pro hay Meta Quest, đòi hỏi băng thông cao và độ trễ thấp để tương tác liền mạch. Khả năng của Wi-Fi 7 mở cánh cửa cho các ứng dụng VR/AR chân thực và sống động.
Chơi game trên đám mây, xem phim online độ phân giải cao hay tải file dung lượng lớn cũng trở nên dễ dàng với kết nối mới. Với nhà thông minh và IoT, khi số thiết bị kết nối trong ngôi nhà ngày càng lớn, một mạng Wi-Fi mạnh mẽ và đáng tin cậy trở nên cần thiết. Ở môi trường công nghiệp - nơi cần giám sát và kiểm soát thời gian thực với yêu cầu kết nối có độ trễ cực thấp và ổn định, Wi-Fi 7 cho phép liên lạc liền mạch giữa máy móc và cảm biến, từ đó nâng cao mức độ hiệu quả và an toàn.
Theo ông Li, những nơi có thể áp dụng Wi-Fi 7 là sân vận động, sân bay, khách sạn, nhà máy. "Những cải tiến trong hoạt động đa truy cập phân chia tần số trực giao (OFDMA) trên Wi-Fi 7 sẽ cho phép số lượng khách hàng lớn hơn trên mỗi điểm truy cập", Li nói với Network World.

Thị trường phần cứng bắt đầu sôi nổi

Wi-Fi 7 có thể tương thích với thiết bị cũ nhờ khả năng hoạt động trên tần số 2,4 và 5 GHz, bên cạnh tần số chính 6 GHz. Tuy nhiên, hệ thống hoạt động hiệu quả nhất khi cả bộ định tuyến và thiết bị đầu cuối cùng sử dụng cùng một chuẩn Wi-Fi. Điều này đặt ra thách thức, bởi mức giá của những bộ router hỗ trợ tần số 6 GHz vẫn ở mức từ 500 USD trở lên, khó tiếp cận số đông người dùng.
Trước khi được Liên minh Wi-Fi Alliance chứng nhận, một số thương hiệu như Netgear, TP-Link, Eero đã bán sản phẩm hỗ trợ Wi-Fi 7, trong khi Qualcomm ra mắt chip di động FastConnect 7800 với Wi-Fi 7 từ 2022. Hãng bảo mật Fortinet cũng tung ra giải pháp phần cứng và phần mềm, gồm bộ phát dùng chuẩn Wi-Fi 7 có tên FortiAP 441K, bộ chuyển mạch FortiSwitch T1024 đáp ứng khả năng truy cập mạng Ethernet tới 10 Gb/giây.

Hầu hết phần cứng cơ sở hạ tầng Wi-Fi 7 đang nhắm đến thị trường tiêu dùng, tập trung vào người dùng truyền thống có nhu cầu về mạng tốc độ cao, đặc biệt là game thủ. Các nhà cung cấp hàng đầu sẽ là Asus, Eero, NetGear và TP Link.
"Với sự phát triển của thiết bị phần cứng VR/AR, game, nhà thông minh hay nhu cầu huấn luyện AI, Wi-Fi 7 sẽ là lựa chọn được nhiều người hướng tới. Thiết bị hỗ trợ kết nối này cũng sẽ sớm nở rộ", Lessin nhận xét.

Tạm kết
Bài viết trên cho các bạn sơ lượt các thông tin về Wi-fi 7, lịch sử hình thành của Wi-fi và tại sao nó lại phổ biến trong năm 2024. Mong rằng các bạn có thể hiểu thêm về các công nghệ Wi-fi, nếu bạn thấy bài viết này bổ ích hãy nhanh tay chia sẻ cho bạn bè cùng đọc nhé!
Nếu các bạn muốn biết thêm thông tin gì hãy nhanh tay để lại bình luận cho VSP, chúng tôi sẽ cập nhật sớm nhất cho các bạn.
Xem thêm: Thủ thuật sử dụng, kiến thức mua hàng, tin thị trường

Nguồn: Tổng hợp