Sáng ngày 17/4, đại diện nhà tài trợ - Công ty TNHH Công nghệ thông tin Tech Vision (hãng máy tính VSP) đã có mặt tham dự lễ khởi công xây dựng cầu giao thông nông thôn (cầu Cồn Nạn) thuộc ấp Long Hưng 2, xã Hòa Minh, tỉnh Tiền Giang.
Tham dự lễ khởi công có các đại diện phía chính quyền gồm Ban Lãnh đạo Đảng ủy xã, Thường trực Hội đồng nhân dân xã, Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Long Hưng 2, xã Hòa Minh.
Về phía Nhà tài trợ có sự góp mặt của Ban lãnh đạo Công ty TNHH Công nghệ Thông tin Tech Vision (hãng máy tính VSP) - ông Trương Hồng Tâm, ông Vũ Khôi Nguyên & ông Võ Việt Triều cùng với đại diện Công ty TNHH Tin học Ngôi sao lớn và đại diện Công ty TNHH Tin học Gia Phát.
Nhận thấy những khó khăn của người dân trong việc đi lại, nhất là các em học sinh đến trường vào mùa mưa, xác định giao thông là tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng “nông thôn mới, đô thị văn minh”, ngoài việc sử dụng nguồn vốn từ của Nhà nước và đóng góp của người dân. Chính quyền địa phương đã ra sức vận động vốn từ nguồn xã hội hóa để từng bước hoàn thiện hệ thống cầu giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Đồng thời góp phần tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế - văn hóa và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
VSP, cùng với hai nhà tài trợ khác là Tin học Ngôi sao lớn và Tin học Gia Phát, đã hợp tác tài trợ số tiền gần 300 triệu đồng để xây dựng cầu Cồn Nạn, nhằm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động có ích phục vụ cho cộng đồng và xã hội. Cây cầu này có chiều dài 21m và chiều rộng thông xe là 3,5m.
Cây cầu giao thông nông thôn Cồn Nạn thuộc ấp Long Hưng 2, xã Hòa Minh, tỉnh Tiền Giang, sẽ được thi công với mục tiêu đảm bảo chất lượng và tuân thủ tiến độ trong vòng 75 ngày, nhằm đưa vào sử dụng sớm để phục vụ lợi ích sinh hoạt của cộng đồng. Việc xây dựng cây cầu này mang ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp cho cư dân và học sinh địa phương di chuyển thuận lợi trong mọi điều kiện thời tiết, mà còn tạo điều kiện cho giao lưu văn hóa, trao đổi hàng hóa và phát triển kinh tế xã hội. Đây là bước tiến quan trọng đóng góp vào sự phát triển toàn diện của vùng đất này.
Với phương châm "Cho đi là còn mãi", VSP mong rằng những đóng góp nhỏ này sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng, lan tỏa và lan rộng sự yêu thương.